- ”Con đi học bằng gì? Dạ con đi bộ.
- Con đi bộ bao xa? Dạ con không biết.
- Con đi bộ lâu không ? Dạ lâu.
- Khoảng bao nhiêu phút. Dạ hơn 1 tiếng.
- Ở nhà thường con ăn cơm với cái gì? Dạ rau.
- Rau gì ? Dạ rau ở trong rừng.
- Ba mẹ không mua cá thịt cho con ăn sao?
- Dạ…. lâu lâu cũng có ….cá…”
Những gương mặt hốc hác, đen đúa; những bộ đồ cũ nát, những đôi dép ”không đụng hàng”, những thân hình gầy gò nhỏ xíu mặc dù đã 13-14 tuổi; những lời nói sợ sệt, e dè; những gương mặt buồn buồn rưng rưng nước mắt khi nói về gia đình sẽ khiến người đối diện khó mà cầm được lòng.
Các thầy cô nước mắt cũng lưng tròng khi nói về học sinh mình: ”Tiền học nó không đủ đóng, thầy cô chủ nhiệm ứng trước đóng dùm cho nó rồi ba mẹ nó trả dần dần, có ngày trả 50 chục nghìn, lâu lâu trả được 100 nghìn. Nó nghỉ học phải đến nhà năn nỉ cha mẹ nó, nhiều khi cha mẹ nó còn không muốn gặp. Các thầy cô mỗi người gom một chút cũng không giúp được bao nhiêu. Mỗi năm chỉ được vài suất tài trợ từ huyện đưa xuống. Năm nay các anh đến tận nơi mà còn trao được hơn năm chục suất…Đây lần đầu tiên trường được giúp nhiều vậy sau 20 năm em dạy ở đây, vui lắm anh à…. Các anh ráng giúp cho mấy em nó, giầy nó không có đi, đi bộ mười mấy cây mà đi bằng dép lê, té lên té xuống… tội lắm…. Chính sách thay đổi, mai mốt tụi nó không còn được trợ cấp phần ăn, chắc tụi nó nghỉ học hết…
Xa xa trên tường có câu ‘’vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người’’. Đọc mà nghe đắng lòng. Tụi nhỏ không có có đôi giày để đi học, không có bữa ăn dinh dưỡng cho đàng hoàng thì cái cây này làm sao mà lớn nổi…
Cái xứ Măng Đen đẹp và lành lạnh như Đà Lạt nhưng lại man mác buồn khi thấy những thân hình nhỏ bé bước đi chầm chậm về làng, qua những con đường mòn sâu trong các đồi núi….
Anh Trần Văn Tỉnh – nhà sáng lập Be Better Foundation
Đôi dòng cảm xúc sau chuyến đi trao học bổng ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.